Chào các bạn, hiện nay, tại Việt Nam, theo số liệu không chính thức mà bên mình thống kê được, tại Việt Nam có khoảng 6.700 SPA các loại. Một con số vượt lên so với dự báo là 5.000 SPA cho tới năm 2020 trước đây. Điều này, chứng tỏ sự phát triển mạnh mẽ của Ngành SPA tại Việt Nam.
Chắc chắn, với sự phát triển này, số lượng SPA sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới đây.
Trong bài viết này, mình xin đưa ra một số điểm lưu ý trong kinh doanh, dành cho các bạn là chủ SPA. Hy vọng, với kiến thức của mình, có thể giúp các bạn một phần nào đó trong công việc của mình.
Khỏi dài dòng, mình xin đưa ra các vấn đề sau đây.
1. VỐN:
– Vốn trong kinh doanh SPA chủ yếu tập trung vào: Thiết bị máy móc, Mỹ phẩm, Nhà cửa (thuê hoặc tự có), Trang trí, Thiết bị khác (Giường, ga, rèm,..) và Nhân sự, Chi phí khác.
– Tuy nhiên, khi khởi sự, cũng giống các ngành khác, các chủ SPA chỉ tính tổng chi phí dự tính và khi gom đủ tiền là làm mà không hề có nguồn vốn dự phòng. Bạn lưu ý là: sau khi tính Tổng chi phí đầu tư, bạn cần có thêm ít nhất là 30% số vốn dự phòng đó. Số tiền này là khoản phát sinh mà bạn KHÔNG BAO GIỜ tính toán được. Đây là một lý do quan trọng mà nhiều SPA hụt hơi ngay sau vài ba tháng khai trương.
– Khi dự tính về Vốn đầu tư, một phần mà ít ai tính tới, đó chính là chi phí cho Marketing và Bán hàng (thông thường chiếm tới 60% hoạt động của Doanh nghiệp). Một số bạn chưa kinh doanh sẽ mắc sai lầm ở điểm này, và chỉ nghĩ rằng mình đầu tư máy xịn hơn, vị trí đẹp hơn, cơ sở vật chất – kỹ thuật xịn hơn thì khách hàng sẽ tự mò tới. Đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Đằng sau 1 SPA thành công, thường là cả 1 Ekip Marketing và Bán hàng đấy bạn.
– Do đó, bạn lưu ý một lần nữa là:
VỐN CẦN CÓ = CHI PHÍ DỰ KIẾN + TỐI THIỂU 30% – 50% NỮA.
(VD dự tính hết 500tr thì phải có tối thiểu 650tr)
2. VỊ TRÍ CỦA SPA:
– Có 2 cách để bạn chọn vị trí của Cửa hàng: 1 là chọn gần trung tâm SPA, gần các cửa hàng khác khi bạn có đủ nhiều xiền và lợi thế cạnh tranh so với SPA khác hoặc có lợi thế, phong cách tương đương. 2 là chọn chỗ chẳng có ai cả khi muốn tạo thị trường riêng, phong cách riêng, thu hút khách hàng còn lại của những SPA trước đây.
– Nếu vốn ít, bạn nên chọn nơi xa hẳn những SPA đã mở. Kể cả là nơi vắng vẻ bởi như thế bạn vẫn rất dễ nhận diện và thu hút được những khách hàng không thích sự ồn ào hay kín tiếng, không muốn ai biết mình đi SPA. Nhà nghỉ là một loại ví dụ, nhiều chỗ xa hút, vẫn có khách vì cặp bồ – hò hẹn, chả ông bà nào lại dắt nhau vào khách sạn trung tâm.
– SPA là một dịch vụ địa phương, rất có lợi thế về mặt khoảng cách địa lý. Nhất cự ly, nhì tốc độ là thế. Do đó, khách hàng thông thường tập trung ở gần vị trí SPA, thường là từ 3-5km đổ lại, trừ SPA VIP gì đó. Chả mấy ai đi mấy chục cây số để đắp cái mặt cả, trừ khi ở đó không có SPA nào.
3. LỰA CHỌN DỊCH VỤ SPA:
– Các SPA mới mở thường làm rất nhiều dịch vụ, từ rất đắt đến rất rẻ, có dịch vụ nào là làm tất dịch vụ đấy. Từ phun xăm, tới đắp mặt, nâng cơ trẻ hóa, trị mụn, giảm béo, tắm trắng, hầm bà lằng.
– Từ việc ôm đồm dịch vụ, dẫn tới đầu tư dàn trải, mỗi thứ 1 tí, máy móc thiết bị – mỹ phẩm,… thì cái nào cũng có mà không có cái nào xịn hẳn cả.
– Bạn lưu ý lại là SPA là dịch vụ phục vụ cho khách hàng ở gần. Do đó, khi chọn được vị trí, bạn chỉ cần đi xung quanh đó mấy ngày, từ đó, xem nhân dân quanh đó có vấn đề gì mà mình có thể giải quyết và lựa chọn ngay được dịch vụ mà mình cần làm, biết ngay mình cần đầu tư gì trước, đầu tư gì sau, mua máy móc – thiết bị – mỹ phẩm như thế nào.
– Hãy lựa chọn dịch vụ mà mình có thế mạnh. Các SPA làm lâu lâu chút, thường chỉ có 1 vài dịch vụ chính thôi. VD: Chuyên về giảm béo, chuyên về phun xăm hay chuyên về trị mụn. Ca sĩ cũng thế, mới thì hát thập cẩm, sau đều chọn cho mình 1 dòng nhạc để hát thôi.
4. ĐẦU TƯ MÁY MÓC THIẾT BỊ:
– Từ việc lựa chọn được dịch vụ mà nhân dân quanh chỗ SPA của bạn cần, bạn nên lựa chọn đầu tư máy móc, thiết bị cho phù hợp.
– Ngoài các máy thông dụng mà SPA nào cũng có, hãy tránh dàn trải vào máy móc chuyên dùng, nên chọn máy đời cao, tính năng tốt, khả năng điều trị hiệu quả. Nếu máy móc chuyên dùng kém quá, vài khách hàng đầu tiên làm bị hỏng, tiếng lành đồn xa, sự nghiệp SPA dễ lên đường lắm.
– Ngoài ra, bạn nên lựa chọn Nhà cung cấp máy uy tín, được cộng đồng đánh giá cao và đặc biệt, chế độ sau bán hàng phải tốt, sẵn sàng hỗ trợ bạn khi máy móc gặp sự cố. Tiền nào của ấy, đừng tham rẻ mà mua phải Nhà cung cấp không uy tín, không trách nhiệm, đến khi gặp sự cố phủi tay là Máy của bạn thành cục sắt ngay.
– Khi mua máy móc, thiết bị chuyên dụng bạn cần để ý tới việc chuyển giao công nghệ để có thể sử dụng tốt nhất. Một số đơn vị chuyên nghiệp, khi chuyển giao công nghệ còn hỗ trợ luôn hội thảo khách hàng. Lựa chọn nhà cung cấp có thể hỗ trợ tốt, chỉ cần 1 hội thảo là bạn có thể thu hồi vốn của thiết bị ngay rồi.
– Có rất nhiều cộng đồng SPA trên Facebook, bạn có thể lên đó để tham khảo ý kiến của những người trong ngành, trước khi quyết định mua máy móc, thiết bị, giảm thiểu rủi ro không đáng có.
– Thiết kế không gian SPA cũng rất quan trọng, có rất nhiều đơn vị tư vấn, thiết kế, lắp đặt rồi, bạn hợp tác với họ là xong. Họ sẽ tư vấn đầy đủ theo nhu cầu của bạn để chọn lựa. Cái này mình không nói thêm ở đây.
– Nếu ít tiền, có khi bạn cũng nên theo dõi trên các cộng đồng SPA, rất nhiều nơi không làm ăn được, bán thanh lý tất tật, giá đương nhiên là rẻ hơn rồi nhưng cũng cẩn thận khi mua đấy, dính phải phốt là đi tong.
– Một số cửa hàng làm móng (nail), tiệm tóc, dịch vụ liên quan, cũng có thể mở rộng sang kinh doanh SPA được, vừa tận dụng cơ sở vật chất hiện có, vừa nâng cấp dịch vụ dần dần, từ đầu chỉ cần làm các dịch vụ đơn giản như: chăm sóc da, massage, đắp mặt nạ, tẩy tế bào chết hay ngâm chân, xông tinh dầu,… Sau đó với đầu tư thêm như những thiết bị Spa chuyên nghiệp hơn: giường, ghế massage, máy móc chuyên dụng khác,… Nhóm này dễ thành công vì dịch vụ, vốn,… được nâng cấp từ từ, doanh thu tăng mà chi phí thấp.
5. MỸ PHẨM:
– Phần này thực sự là đau đầu. Mỗi ngày, có quá nhiều đơn vị cung cấp mới, sản phẩm mới, tính năng mới, vân vân và vân vân.
– Các chủ SPA thực sự là anh hùng bởi nhiều khi vì uy tín của mình mà lấy thân mình thử sản phẩm trước khi sử dụng cho khách hàng. Nhưng cũng có không ít SPA, vì muốn lợi nhuận trước mắt mà nhập sản phẩm rẻ, chất lượng và hiệu quả cho khách hàng là tức thì nhưng hậu quả để lại thì chỉ có trời biết và thời gian mới trả lời được.
– Việc gì cũng có Nhân quả. Hãy suy nghĩ và cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhé.
6. NHÂN SỰ:
– Việc này là việc mà các chủ SPA đau đầu nhất.
– Từ người không biết việc, mất công đào tạo, nuôi nấng, khi thành tài, có tay nghề là nhân viên ra đi không một câu giã từ. Hết người này đến người kia và luôn là nỗi niềm mà không biết kể cùng ai.
– Theo mình, việc lựa chọn đầu vào là quan trọng nhất.
– Trước hết, khi nhận người, hãy xem trên Facebook, Zalo, mạng xã hội khác của nhân viên xem lối sống, suy nghĩ, lời lẽ, tính cách của nhân viên đó ra sao. Bạn nào suốt ngày chỉ ca thán, than thở, buồn chán hay nói tục chửi bậy, vân vân thì nên lượn ngay cho nước nó trong.
– Tiếp nữa, khi thử việc, hãy xem thái độ học tập, sự hợp tác với nhân viên khác, thái độ với khách hàng,… ra sao.
– Quan điểm của mình là kể cả tay nghề cực giỏi nhưng tính cách xấu thì ĐUỔI NGAY, không bao giờ được tiếc vì nếu không sự nghiệp của bạn sẽ ra đi vào một ngày lộng gió.
– Ngày nay, cũng có nhiều Cộng đồng tuyển dụng dành riêng cho ngành SPA, có khi, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của người khác trước khi nhận người vào làm, tránh PHỐT không đáng có.
– Tiếp nữa là độ tuổi của nhân viên nên gần với độ tuổi của mình vì cùng độ tuổi thì lối sống, quan điểm,… sẽ giống nhau hơn là chênh lệch tuổi tác, dễ làm việc hơn.
– Bạn cũng có thể chọn người đã có gia đình, có con rồi là một ưu tiên, vì những người đó có áp lực về kinh tế, mong muốn một công việc ổn định lâu dài. Với môi trường của các SPA, đây là một lợi thế và họ cũng không dễ từ bỏ ngay công việc.
– Mức lương của nhân viên, ngoài lương cứng trả căn cứ theo mức lương trung bình trong vùng thì nên thưởng thêm doanh số khi nhân viên bán được thêm sản phẩm, dịch vụ của SPA. Nhiều khách hàng không nghe chủ tư vấn đâu. Nhưng nhân viên thủ thỉ thì lại rất tin và rất dễ chốt dịch vụ hay sản phẩm bổ sung. Nhân viên cũng là người làm dịch vụ trực tiếp cho khách hàng, dễ gần gũi, thủ thỉ hơn, dễ gây thiện cảm với khách hàng. Thêm phần trăm doanh số là 1 cách tốt để nhân viên làm tốt hơn công việc được giao và đảm bảo công việc tại SPA lâu dài. Chả ai kiếm tiền tốt mà bỏ đi cả. Tiền vào như nước thì có đạp ra, mình vẫn lăn vào thôi.
– Thái độ đối xử với nhân viên cũng là một điều quan trọng quyết định họ có ở lại hay không. Bạn nên nhớ văn hóa của VN hay gắn với tình cảm, hãy tôn trọng nhân viên, quan tâm tới đời sống, gia đình của họ, đối xử với họ tốt vì họ chính là người giúp mình kiếm tiền.
– Một số chủ SPA khi vắng khách, đặc biệt là lâu lâu không có khách là đổ lỗi cho nhân viên, giao việc vặt, việc linh tinh rồi cau có, quát tháo. Nhớ là mình là chủ và mọi việc là do mình đấy. Nếu việc không ổn, xem lại mình trước đã.
– Thái độ của bạn với nhân viên, với khách hàng là điểm giúp việc kinh doanh spa của bạn thành công, nói chung thì gọi là cái Tâm trong nghề. Cái tâm trong nghề sẽ thể hiện qua sự hài lòng, sự trung thành của nhân viên lẫn khách hàng với SPA của bạn. Có một câu mà mình vẫn nhớ, NHÂN VIÊN là khách hàng số 1 của BẠN.
7. NGHỀ:
– Bạn là chủ SPA, có thể bạn không phải làm trực tiếp cho khách nhưng không có nghĩa là bạn không có nghề. Bạn cần phải giỏi hơn nhân viên để có thể kiểm soát được công việc của họ.
– Hãy giành thời gian học tập, thành thạo chuyên môn, nắm chắc quy trình phục vụ hay điều trị cho khách hàng. Không ngừng nâng cao kỹ năng, trình độ, liên tục học tập và cập nhật thông tin trong ngành.
– Chỉ khi bạn thật sự đủ tin tưởng, là một chuyên gia trong nghề thì khách hàng mới yên tâm mà giao thân xác cho bạn và nhân viên mới tôn trọng bạn, không giở mánh ra khi làm việc được.
8. KỸ NĂNG QUẢN LÝ, LÃNH ĐẠO:
– Đa số chủ SPA xuất thân là làm nghề hoặc yêu nghề, có nghề – kỹ năng chuyên môn trong nghề mà làm SPA. Do đó, kỹ năng quản lý, lãnh đạo thường không có khi kinh doanh SPA.
– Có nghề là 1 chuyện nhưng kinh doanh bằng nghề lại là một chuyện khác.
– Bạn nên dành thêm thời gian để học tập và trau dồi những kỹ năng này. Ngày nay, có rất nhiều khóa học phát triển bản thân miễn phí, bạn có thể tham dự để nâng cao năng lực của mình. TIỀN KIẾM ĐƯỢC = KHẢ NĂNG CỦA BẠN.
– Sách, Internet, Bạn bè, Những nhà kinh doanh khác,… cũng là một kênh tốt để bạn học tập và nâng cao kỹ năng của mình.
9. MARKETING VÀ BÁN HÀNG:
– Là chủ, việc chuyên môn bạn hãy để cho nhân viên và tập trung vào Marketing và Bán hàng, bán sản phẩm hay dịch vụ của mình.
– Hầu hết chủ SPA mà mình tiếp xúc gần đây đều yếu trong khâu này. Tình trạng thường gặp là mở SPA ra và chờ khách hàng tìm tới.
– Các SPA thường chọn thuê dịch vụ ngoài để Marketing và Bán hàng cho mình. Việc này cũng tốt khi bạn chọn được đơn vị giỏi, phù hợp, hiểu nghề và mang lại khách hàng cho mình.
– Nhưng đời không phải mơ. Nhiều chủ SPA đã chi rất nhiều tiền, không biết đối tác chi vào việc gì, cuối cùng tiền mất mà tật mang, khách hàng thì chẳng thấy đâu. Bắt đền cũng chẳng được vì không có hiểu biết trong lĩnh vực này.
– Nhắc lại tí là bạn nên học, học và học để nâng cao trình độ của mình trước đã, tránh mất tiền oan. Thời buổi phật ít, ma nhiều nên nói Ma két tinh cũng không sai khi đơn vị Marketing vừa MA lại vừa TINH.
– Phần này, mình có đề cập nhiều trong các bài viết trước trên trang của mình, bao gồm cả các chiến lược, chính sách,… bạn chịu khó tìm đọc bên dưới. Lĩnh vực này quá rộng để viết tại đây để các bạn có thể hiểu hết ngay được.
10. THỦ TỤC PHÁP LÝ:
– Có 2 hình thức: Công ty và Hộ kinh doanh cá thể. Tùy theo mô hình và trình độ quản lý, vân vân, bạn lựa chọn hình thức phù hợp. Lưu ý là tránh vì các mác CÔNG TY, Giám đốc, Chủ tịch, CEO này nọ mà thành lập công ty nếu bạn không thực sự hiểu biết. Với mô hình nhỏ, bạn nên thành lập theo dạng hộ kinh doanh cá thể là được rồi.
– Ngoài thông tin cá nhân thì bạn cần có Chứng chỉ hành nghề SPA, tùy theo dịch vụ bạn đăng ký.
– Mã ngành của SPA nếu bạn đăng ký theo Công ty thì không có đâu, hiện nay, vẫn sử dụng mã ngành 96100: Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự. Chối nhỉ.
– Việc đặt tên hiện nay cũng lung tung, nơi thì Thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, SPA, này nọ. Tuy nhiên, bạn lưu ý là đối với thẩm mỹ viện, nghề thẩm mỹ viện là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là bạn phải có bằng cấp về chăm sóc sức khỏe hoặc người bạn ký hợp đồng lao động trực tiếp có bằng cấp, hoặc bạn nên đăng ký doanh nghiệp và thuê người có bằng cấp cũng được.
– Khi làm SPA, tuyệt đối hạn chế từ ngữ liên quan đến phẫu thuật, chỉnh sửa,… Cơ quan chức năng đi kiểm tra mà có đồ đạc liên quan như dao kéo phẫu thuật, bơm kim tiêm thì chắc chắn là bạn dính đòn nặng rồi.
Chúc bạn kinh doanh thành công.